The Happiness That Comes From Within – Osho

“Hạnh phúc đến khi bạn thích nghi với mọi thăng trầm trong cuộc đời mình, khi bạn sống hài hòa đến mức mọi việc bạn làm đều trở thành niềm vui. Rồi bất chợt một ngày nào đó, bạn sẽ nhận ra thiền định đã đi theo bạn tự bao giờ. Nếu bạn yêu công việc mình đang làm, yêu cách sống mình đang sống, thì điều ấy có nghĩa là bạn đã thiền rồi. Và chẳng điều gì có thể làm bạn rối loạn. Một tâm hồn bất an là dấu hiệu để bạn biết rằng bạn không thực sự yêu thích cuộc sống hiện tại của mình.

Người thầy giáo cứ nói mãi với các cô cậu học trò bé nhỏ: “Chú ý vào thầy nào! Chú ý, chú ý!”. Chúng đang chú ý đấy chứ, nhưng chú ý vào cái khác. Một con chim đang hót líu lo bên ngoài lớp học, những đứa trẻ sẽ chú ý vào con chim ấy. Không ai có thể nói rằng những học trò này không chú ý, không thiền định, không tập trung. Thực sự những đứa trẻ đang tập trung cao độ đấy chứ. Chỉ có điều chúng đã hoàn toàn quên đi sự có mặt của thầy giáo và những bài toán thầy đang giảng trên bảng. Chúng quên hết mọi thứ trong lớp học. Chúng chỉ chú ý đến con chim và tiếng hót. Nhưng ông thầy lại tiếp tục nói: “Chú ý nào! Em đang làm gì thế? Tập trung nào!”.

Không phải tất cả chúng ta có mặt trên đời này để trở thành những nhà toán học. Nhiều đứa trẻ chẳng bao giờ quan tâm đến lũ chim; tiếng hót véo von ngoài sân có thể to hơn nữa, nhưng những đứa trẻ ấy vẫn chăm chú nhìn lên bảng. Chúng chỉ quan tâm đến các bài tập toán. Nghĩa là chúng hoàn toàn định tâm – một trạng thái thiền định rất tự nhiên – khi chúng tiếp xúc với toán học.

Chúng ta thường bị chi phối bởi những lo âu về tiền bạc, danh vọng, quyền lực. Ngồi nghe chim hót không mang lại quyền lực, danh vọng cho chúng ta. Ngắm nhìn cánh bướm bay không thể giúp ta những lợi lộc về tiền bạc và chính trị. Những việc làm ấy thật là vô bổ – nhưng chính chúng lại mang đến hạnh phúc cho chúng ta.”

Trích “The Happiness That Comes From Within” – Osho

—————–

Hôm nay đột nhiên mình nhớ đến đoạn trích trên. Thật ra mình chưa đọc cuốn “The Happiness That Comes from Within” của Osho. Nhưng đây sẽ là cuốn sách tiếp theo mình đọc, vì mình rất rất thích đoạn trích này.

Mình nghĩ khi còn là những đứa trẻ, khi mà chúng ta chưa biết quá nhiều về những định kiến xã hội, khi mà tâm hồn chúng ta trong trẻo nhất, chúng ta lại biết rất rõ rằng mình thích điều gì và mình thật sự quan tâm đến điều gì. Nhưng rồi khi lớn lên, những thang điểm xếp hạng ganh đua trong lớp hoặc sự so sánh với… con nhà hàng xóm, những sự bóng bẩy hào nhoáng của quyền lực và tiền bạc xa hoa xung quanh làm chúng ta bối rối với những điều mình thật sự yêu thích. Chẳng hạn như khi còn nhỏ mình rất thích vẽ. Khi đọc manga cứ thấy hình ảnh nào đẹp là mình hí hoáy vẽ nên mình có hẳn một cuốn sổ vẽ. Mình cũng thích múa hát, mình nung nấu được vào sinh hoạt ở nhà thiếu nhi như nhóm Mắt Ngọc ngày xưa, mình cũng dành phần lớn thời gian để múa và hát ở nhà thờ mỗi khi có ngày lễ lớn. Thế nhưng sau nhiều năm mình đã quên mất việc bồi bổ cho những sở thích này, và chạy theo thành tích học tập tốt ngay cả ở những môn mình không hề hứng thú, chỉ để có thể làm cho ba mẹ vui và chứng tỏ khả năng với họ hàng. Giờ đây nhìn lại, ở những hoạt động mình thật sự yêu thích, thì khả năng của mình chẳng đến đâu cả, vì mình đã không biết giành thời gian nuôi dưỡng chúng.

Vậy khi trưởng thành, bạn đã giành tâm trí quan tâm đến điều gì?

Thường thì khi lớn lên, chúng ta vô tình sống dựa trên ánh nhìn và suy nghĩ của người khác, rằng họ có thích mình không, rằng họ có xem thường mình không, rằng mình có đủ đẹp, đủ giỏi, đủ tốt chưa.

Khi bạn ganh tỵ với điều gì đó, như là chiếc xe đắt tiền của người quen, người chồng giàu có của cô gái nọ, cuộc sống xa hoa mà ai đó kể, có bao giờ bạn dừng lại và suy nghĩ rằng “Mình thật sự muốn gì? Mình có muốn những điều đó không?”. Hay bạn chỉ ganh tỵ và thèm muốn vì trong quá trình lớn lên mình đã bị ảnh hưởng từ cái thước đo tầm thường của xã hội dựa trên tiền bạc, địa vị, danh vọng?

Hãy một lần dừng lại và cảm nhận chính mình, rằng mình thật sự cần điều gì, điều gì làm mình vui, làm mình hạnh phúc? Hãy nhớ rằng bản thân bạn muôn màu muôn sắc và đặc biệt hơn cái thước đo tầm thường chỉ có vài “tiêu chuẩn” nhàm chán của xã hội này tự dựng lên. Và tin mình đi, khi sự tỵ nạnh qua đi, khi bằng cách nào đó bạn đạt được những điều đó cho “bằng chị bằng em”, mà đó không phải là điều bạn thật sự cần, bạn cũng sẽ chẳng hạnh phúc đâu. Đó chỉ là sự phấn khởi trong khoảnh khoắc. Những thứ đó không mang lại niềm hạnh phúc lâu dài trong tâm hồn bạn.

Nếu không ai nhìn bạn thì sao? Nếu chẳng ai để ý đến, nếu không phải để thể hiện với ai, nếu không phải bạn quan tâm sự đánh giá của mọi người xung quanh, liệu bạn có thật sự cần thiết đến mức phải chi chừng ấy tiền để mua những món đồ xa xỉ nọ trong khi khả năng chi trả của bạn không thật sự đến mức đó?

Nếu không phải vì bạn quan tâm đến sự tâng bốc của người khác, liệu bạn có cắn răng làm công việc bạn đang làm thay vì công việc khác mà bạn thật sự thích?

Nếu không phải vì gia thế giàu có của anh chàng đang quen, liệu bạn có muốn cưới anh ta?

Để hạnh phúc, bạn cũng cần có lòng can đảm

Khi đọc về những người từ bỏ công việc “ổn định” và cuộc sống hiện đại ở thành phố lớn để về vùng quê sống thanh bình giản dị, hay bắt đầu với một Start-up ý nghĩa để góp phần vào sự phát triển và cuộc sống của người dân nơi quê nghèo họ sinh ra, hay đơn giản là từ bỏ công việc nhiều người mơ ước để được bắt đầu niềm đam mê giản dị (mình nhớ rất rõ câu chuyện về một chị tốt nghiệp trường ĐH RMIT, ra làm về Tài Chính với mức lương bao người thèm khát, nhưng sau đó chị bỏ tất cả để mở một tiệm xăm hình mặc cho bao người ngăn cản),… Thật ra những hành động này cần rất nhiều lòng can đảm và sự mạnh mẽ. Lòng can đảm ở đây là họ dám đi ngược lại với đám đông, khi mà ai ai cũng chạy theo tiền bạc và danh vọng. Sự mạnh mẽ là vì họ đã vượt qua được ánh nhìn và sức ảnh hưởng tiêu cực của những lời can ngăn xung quanh và cả sức cám dỗ của đồng tiền, để vững tin đi theo con đường mình chọn.

Vậy hiện tại bạn có trả lời được câu hỏi này không?

Câu hỏi “Bạn thật sự cần điều gì trong cuộc đời này?” mình nghĩ rằng sẽ không dễ trả lời khi bạn không có sự an tịnh, khi bạn không có khoảng lặng thật sự cho tâm hồn mình.

Khoảng thời gian mình sống với host ở Châu Âu tuy ngắn, nhưng khi hòa vào cuộc sống của họ, mình nhận thấy suy nghĩ và lối sống của họ không quá vật chất như cuộc sống ở Việt Nam mà mình đã và đang nhìn thấy.

Họ không chi số tiền lớn để sắm chiếc điện thoại Iphone đời mới nhất nếu công năng của nó không thật sự cần thiết đối với họ. Họ không quá quan trọng đồ hiệu đắt tiền (dù có những gia đình thuộc dạng giàu có). Trừ khi họ đủ tài chính và thật sự yêu quý món đồ đó, họ mua vì họ yêu quý chứ không phải vì để thể hiện với người khác. Họ quan tâm đến thiên nhiên, tinh thần và sức khỏe nhiều. Và họ cũng giành thời gian để gần gũi và cảm nhận thiên nhiên nhiều hơn đại đa số người Việt Nam mình. Khoảng thời gian ở đó, dù chỉ là ở vùng ngoại ô hoặc thành phố nhỏ, nhưng mình thật sự cảm thấy rất an yên.

Mình hy vọng những người đọc blog của mình cũng có thể xây dựng một cuộc sống ý nghĩa và đơn thuần như vậy, với niềm hạnh phúc đến từ những điều thật sự có ý nghĩa, và vương lại nhẹ nhàng trong một tâm hồn bình yên. Để làm được điều này, việc hiểu chính mình rất quan trọng. Vì vậy, bạn hãy tự hỏi mình câu hỏi ở tiêu đề bài viết nhé.

Mình chỉ có một lời khuyên nhỏ, rằng hãy gần gũi thiên nhiên nhiều hơn và dành những khoảng lặng cho tâm hồn. Bồi dưỡng cho bản thân những suy nghĩ đẹp và kiến thức tốt cho sở thích của bạn, và hãy đọc những cuốn sách hay. Cuộc sống này bận rộn, và dù đôi khi tâm trí bạn có lung lay bởi điều gì đó, nhưng đừng để nó cuốn đi những sắc màu đặc biệt của bạn nhé.

“For a few minutes I tried to empty my mind entirely, to concentrate solely on breathing: sometimes it’s useful to rediscover simpler pleasures of life.”
― Romain Gary