Mình tốt nghiệp ngành Quản Trị Kinh Doanh Quốc Tế và khi ra đi làm lại bén duyên với nghề Trợ Lý Giám Đốc.
Sau 5-6 năm đi làm thì mình cũng tích lũy được số năm kinh nghiệm nhất định nên đã có một mức lương khá tốt. Tuy nhiên trớ trêu thay là từ lúc đi làm đến giờ mình chưa bao giờ yêu thích công việc này. Vì vậy ý định chuyển đổi công việc/ ngành đã xuất hiện trong đầu mình từ khá lâu.
Mình mất nhiều năm để suy nghĩ có nên đổi hay không, và tìm hiểu mình thật sự thích gì, chứ không phải muốn là làm ngay, và cũng vì có rất nhiều yếu tố tác động.
Nhân bài viết này, mình xin được chia sẻ quá chuyển đổi ngành của mình. Hy vọng có thể giúp ích cho các bạn cũng rơi vào trường hợp như mình.
A. LỢI VÀ HẠI
Đổi ngành khi tuổi đã lớn như ở độ 28 tuổi như mình thì mặt lợi và hại là gì?
Lợi: khi đã có nhiều năm va chạm, trải nghiệm nhiều môi trường công việc. Suy nghĩ, tiếp xúc với nhiều thứ, quyết định của bạn sẽ không còn là sự bồng bột tuổi trẻ, mà là bạn biết rõ mình muốn điều gì.
Hại: khi tuổi tác càng lớn và bạn càng đã có trong tay nhiều thứ nhất định hoặc đã có sự “ổn định” nhất định, cũng như một cái cây lâu năm đã cắm rễ sâu xuống lòng đất hơn hẳn những cây con mới được trồng. Khi bạn quyết định bứt gốc dời qua nơi khác thì công sức và sự nỗ lực cho điều đó cũng cần nhiều gấp bội lần so với những cây con.
B. NHỮNG ĐÁNH ĐỔI
- Thu Nhập
Dĩ nhiên, sau vài năm đi làm, mức lương của bạn đã đạt một bậc khác. Vì vậy, việc bạn bắt đầu lại từ đầu với một ngành mới đồng nghĩa với việc bạn sẽ trở về con số 0 hoặc trở về mức lương của một bạn sinh viên mới ra trường. Đây cũng là điều phần lớn mọi người băn khoăn khi đổi ngành. Càng lớn tuổi, càng nhiều năm kinh nghiệm đã có, bạn sẽ càng sợ phải từ bỏ để làm lại từ đầu. Nếu xác định đổi ngành, hãy đừng quá quan trọng về thu nhập ban đầu.
2. Hai Chữ “Ổn Định”
Từ hồi mình mới ra trường đã nghe 2 chữ “Ổn định”. Ai cũng mong công việc “ổn định”, thu nhập “ổn định”, để còn lập gia đình “ổn định”. Ai cũng lao vào kiếm tiền để mong có mọi thứ được “ổn định”. Vậy, bạn dám đánh đổi sự ổn định của mình để bắt đầu gầy dựng lại từ đầu chứ?
3. Địa Vị
Dùng từ “địa vị” nghe có vẻ rất cao siêu, nhưng thật ra khi bạn xuất hiện ở một nơi làm việc với mức kinh nghiệm đã 4-5 năm thì cách người khác cư xử với bạn cũng sẽ khác. Và khi bạn xuất hiện ở nơi làm việc với mức kinh nghiệm 0/10 hoặc 2/10 thì dĩ nhiên nó cũng sẽ khác, đặc biệt là khi số tuổi của bạn tỉ lệ nghịch. Chưa kể là ở tuổi bạn, có một số người đã lên được Team Lead, hoặc thậm chí là Manager. Nên khi đi làm, bạn cũng sẽ gặp nhiều người chạc tuổi bạn mà level cao hơn bạn. Bạn có sẵn sàng đối mặt với điều này?
C. NHỮNG TÁC ĐỘNG TỪ BÊN NGOÀI
Ngoài những điều bạn cần cân nhắc kĩ và đắn đo trong đầu như ở trên mình đề cập. Thì các yếu tố lớn tác động bên ngoài chính là.
- Gia Đình
Gia đình ở đây là những người gần gũi thân thiết như bố mẹ, anh chị.
Thường khi quyết định đổi ngành và nhận lấy một mức lương sinh viên khi bắt đầu lại từ đầu, dù bạn đã thu hết can đảm để chấp nhận, thì việc gia đình, đặc biệt là bố mẹ phản đối là điều hầu như sẽ xảy ra.
Thứ nhất là vì bố mẹ luôn mong con cái mình có cuộc sống ổn định không bấp bênh thiếu thốn. Ngoài ra thì với văn hóa ở thế hệ trước, công việc/ sự nghiệp của người con sẽ là điều đem đến niềm tự hào (hoặc thất vọng/xấu hổ) cho bố mẹ đối với họ hàng, láng giềng,… Do đó, đây là một “ải” cực kì khó vượt qua nếu bạn không đủ mạnh mẽ để sống vì chính bản thân mình mà lại quan tâm quá nhiều đến điều người khác nghĩ về bạn, thì chắc chắn bạn sẽ thất bại với dự định đổi ngành của mình.
Có rất nhiều bạn tìm đến hỏi kinh nghiệm chuyển ngành của mình. Tuy nhiên, thường sau đó các bạn sẽ nhắc đến gia đình, bố mẹ. Có bạn thì bảo bố mẹ không chấp nhận, có bạn thì bảo muốn lo cho bố mẹ đầy đủ nên không dám từ bỏ mức lương hiện tại.
Thật ra, ở đây không có đúng và sai. Việc chuyển ngành, việc dám can đảm theo thứ mình thích hay không, không hề có đúng và sai. Chỉ là bạn có sẵn sàng đánh đổi, có sẵn sàng đi theo điều mình mong muốn hay không.
Người dám đánh đổi không có nghĩa là nhà họ “giàu sẵn” hay là không cần lo lắng tài chính. Mà là vì họ đã cân nhắc kĩ và đưa ra quyết định cuối cùng mà họ muốn làm cho bản thân.
Ngoài ra, việc này cũng không liên quan đến sự “ích kỷ cho bản thân” hoặc không yêu thương bố mẹ. Mà đó là quyền tự do lựa chọn cho cuộc sống của bạn.
Vì vậy, tất cả tùy thuộc vào hoàn cảnh và sự sẵn sàng của bạn. Còn nếu bạn quyết định gắn bó với công việc đang có, nhận mức lương tốt đang có, thì điều đó cũng tốt cho bạn, chỉ cần bạn đủ chấp nhận và hiểu rằng điều gì quan trọng với mình.
Và một khi đã quyết định, bạn hãy sống vui vẻ với sự lựa chọn của bạn.
2. Bạn Bè (hoặc “Con Nhà Người Ta”)
Quyết định trở lại cuộc sống và công việc với mức kiến thức của một sinh viên mới ra trường, đồng nghĩa với việc khi bạn đi chơi gặp gỡ bạn bè, bạn sẽ gặp nhưng nhân vật đã thuộc tầm “senior” (dày dặn kinh nghiệm) trong sự nghiệp. Bạn sẽ ngồi nói chuyện với những người bạn bằng tuổi mà mức lương đã x2, x3, hoặc thậm chí là x4 x5 so với mức bạn đang có. Bạn sẽ nghe những tin như “Vũ mới lên trưởng phòng”, “Thành mới lên team lead”, “Khang mới đổi việc qua công ty lớn hơn và lương tăng nhẹ vài củ”. Và bạn thì vừa chật vật xin được công việc lương bổng tầm junior và teammate đồng level làm cùng là những bạn còn nhỏ tuổi hơn cả bạn nữa.
Ở trường hợp này, nếu bạn chưa đủ vững tinh thần để tin theo con đường mà bạn đã chọn, chắc chắn bạn sẽ thấy buồn (ít hoặc nhiều), và ganh tỵ về tiền bạc và sự thành công đã có của những bạn đồng trang lứa. Thậm chí, nếu bạn là người tiêu cực, bạn sẽ cảm thấy mặc cảm và tránh né không muốn gặp những đứa bạn thành công ấy. Bạn sẽ cảm thấy bạn không bằng ai, công việc bấp bênh, tiền bạc không có,… rất nhiều suy nghĩ chán chường sẽ hiện lên trong đầu nếu bạn cứ mải so sánh bản thân với người khác. Nhưng, hãy nghĩ lại rằng bạn sống cho chính bạn hay sống vì ánh mắt của người xung quanh?
Vì vậy, để chuyển ngành, rất cần ở bạn một sự quyết tậm và lạc quan, nỗ lực, đam mê, không so đo hơn thua. Có vậy thì bạn mới có thể “tỉnh rụi” trước những tác động vô tình từ bên ngoài như thế và mạnh dạn bước tiếp trên con đường bạn đã chọn.
D. KHÓ KHĂN KHI XIN VIỆC VÀ KHI ĐI LÀM
- Bên tuyển dụng thường ngại tuyển những người lớn tuổi ít kinh nghiệm
Thường thì profile của các bạn sinh viên mới ra trường ít kinh nghiệm thì sẽ dễ được quan tâm hơn là profile của một người lớn tuổi đổi ngành và đã có kinh nghiệm nhiều ở một mảng không liên quan.
Vì vậy để xin được việc thì cần sự chủ động nơi bạn rất nhiều. Bạn không thể chỉ ngồi gửi CV đi và rung đùi chờ được liên hệ lại nữa, mà cần bạn chủ động liên hệ nhà tuyển dụng, trao đổi thẳng thắn về trường hợp của mình, thể hiện thật rõ tinh thần làm việc và những giá trị bạn sẽ mang lại. Có như vậy bạn mới có thể có cơ hội xóa tan những lo ngại ở người tuyển dụng khi tuyển một ứng viên lớn tuổi ít kinh nghiệm, và tạo ấn tượng mạnh hơn để họ có thể cân nhắc hồ sơ của bạn.
2. Làm việc với những bạn nhỏ tuổi hơn nhưng đồng cấp bậc hoặc thậm trí là vai trò lớn hơn bạn
Do đó, nếu bạn mang tính tự ái cao hoặc luôn ngại ngùng tiếp thu ý kiến quan điểm từ bạn đồng nghiệp nhỏ tuổi hơn, thì đây sẽ là vấn đề lớn với bạn cũng như sẽ làm ảnh hưởng đến công việc. Bạn cần cởi mở hơn và có tinh thần chia sẻ, sẵn sàng lắng nghe ý kiến đóng góp từ những người nhỏ tuổi hơn. Có như thế bạn mới thích nghi, hòa hợp và phát triển công việc được.
E. CÂU CHUYỆN NHỎ CỦA CHÍNH MÌNH
Từ chính những gì mình đã trải qua. Việc đổi ngành thật sự không dễ dàng, cần ở bạn sự thấu đáo. Khi quyết định đổi từ công việc Trợ Lý Giám Đốc qua Thiết Kế Đồ Họa, trước đó mình từng học qua một số tools cơ bản của nghề này, tuy vậy do ít có cơ hội thực hành nên chưa có nhiều sản phẩm, dù mình đã làm được một số thứ. Ban đầu minh xin đi làm parttime với mức allowance tầm 1-2tr/1 tháng, nhưng vẫn bị nơi tuyển dụng nọ chê. Họ bảo sẽ nhận mình với điều kiện 3 tháng đầu không lương vì họ phải đào tạo lại, do những cái mình làm ra chưa cho thấy mình có khả năng hay kĩ năng gì nhiều, 3 tháng sau họ mới bắt đầu trả allowance 1-2tr cho mình.
Nghe rất khó khăn bạn nhỉ. Lúc đó mình cũng khá buồn và tự nghĩ “năng lực mình hiện tại chỉ đến đó thôi sao”, nhưng sau khi chia sẻ với một số người bạn trong ngành và được nghe phân tích, mình nhận ra mình không dở tệ như vậy. Và ở khía cạnh là một người chưa nhiều kinh nghiệm, mình tỉnh táo đánh giá lại năng lực và khả năng hiện tại. Mình quyết định không chấp nhận mức đánh giá ở nơi tuyển dụng đó, và mình nói không với công việc đó.
1 tuần sau đó mình được nhận làm parttime và được nhận lương ngay từ đầu. Mình cũng may mắn gặp các bạn đồng nghiệp thật tốt, họ hiểu vị thế của mình nên nhiệt tình hỗ trợ và hướng dẫn mình rất nhiều trong công việc để trang bị cho con đường tìm kiếm công việc fulltime sắp tới. Và trong vòng một tháng sau đó mình đậu phỏng vấn được 3 nơi cho công việc fulltime chính thức với mức lương đủ ổn cho một người vừa bắt đầu lại.
Vậy thì nói ngắn gọn, mình đã chuyển qua một ngành hoàn toàn khác chỉ trong vòng 2 tháng (không tính những sản phẩm nhỏ trước đó mình từng làm thỉnh thoảng làm freelance khi còn làm Trợ Lý Giám Đốc). Từ Trợ Lý Giám Đốc – một công việc thuần về kĩ năng văn phòng, không hề dính dáng đến kĩ thuật hay sáng tạo như Thiết Kế Đồ Họa. Nếu mình tin sự đánh giá của đơn vị tuyển dụng kia, thì có lẽ mình sẽ mất 5-6 tháng mới có thể chính thức có được công việc fulltime với mức lương ổn thỏa như vậy.
Dù vậy, mình biết con đường phía trước còn cần mình nỗ lực rất nhiều.
————————-
Sau tất cả, lời khuyên duy nhất từ mình đối với những bạn đã quyết định đổi ngành, đó là đừng tin khi ai nói rằng bạn không làm được.
Bạn chắc chắn có thể làm được điều này, chỉ cần bạn đủ tin tưởng vào bản thân, và đủ quyết tâm để có được sự mạnh mẽ mà tiến tới, vượt qua những khó khăn dọc đường bạn sẽ gặp phải (rất nhiều).
Cố lên bạn nhé! Mình chúc bạn may mắn!
“Man cannot discover new oceans unless he has the courage to lose sight of the shore.”
– Andre Gide
Cho dù không phải là người có mức lương cao rồi chuyển ngành nhưng mà đọc xong cảm thấy có động lực rất lớn, mình cảm ơn
Rất cám ơn bạn đã đọc bài blog và để lại comment. Comment của bạn cũng làm mình có thêm động lực để viết những bài chia sẻ mới. Cảm ơn bạn! ^^
… Trợ Lý Giám Đốc qua Thiết Kế Đồ Họa … wow… dám nghĩ dám làm …
Em cũng hiện tại 28 t và có ý định chuyển sang làm thiết kế đồ hoạ. Mình cũng mới bắt đầu học vài công cụ như AI và photoshop thôi. Đọc bài của bạn làm mình có động lực hơn rất nhiều. Vì mình hiện tại cũng đang rất băn khoăn không biết có nên từ bỏ công việc hiện tại đang ổn định và có thu nhập tốt hay ko … Mình cũng khá hoang mang không biết nếu bỏ việc thì sẽ bắt đầu thế nào với việc mới , nên tạm thời vừa làm việc, vừa trâu dồi thêm kỹ năng thiết kế đồ hoạ. Bạn có kinh nghiệm gì trong việc tìm việc về thiết kế đồ hoạ có thể chia sẻ ko :)))
Chào bạn, cảm ơn bạn đã comment bài viết của mình nhé. Về kinh nghiệm xin việc thì trước hết bạn phải có portfolio một số thứ bạn đã làm. Không nhất thiết phải là công việc làm cho ai, mà có thể là những design tự làm, và những design này có thể đưa ra được kĩ năng bạn đang có, tính ứng dụng thực tế tốt của design, và gu thẩm mỹ của bạn cho nhà tuyển dụng xem. Nên trong quá trình bạn học hay trau dồi bạn có thể trau chuốt những ấn phẩm đó để bỏ vào portfolio luôn nhé. Rồi sau khi đã tự tin với portfolio của mình thì apply đi thôi 😀 chúc bạn may mắn! Cố lên nha!