Cultures of Simple Life

Mùa Thu năm 2014, Poland

….

Ngày chia tay các gia đình, có gia đình tặng tôi một con gấu bé xinh kèm mảnh thiệp giản dị viết tay. Có gia đình tặng một hộp kem Nivea bình dân vì năm đó cái lạnh của mùa Thu Châu Âu làm da con bé người Sài Gòn bị khô nứt vì chưa bao giờ trải qua cái lạnh như thế. Có cô bé học trò tự tay làm tặng tôi một con gấu Koala bằng thun có thể gắn trên đầu bút và một chiếc cupcake handmade viết tên tôi trên mặt bánh. Có người ông tặng tôi một đồng xu mang giá trị nhỏ nhất trong tiền tệ của Poland, một đồng xu mới và vàng óng ánh, ông đặt vào tay tôi và bảo rằng đồng xu này sẽ đem đến may mắn cho tôi.

Đó là những khoảnh khắc làm tôi – một con bé Châu Á – sinh ra giữa nền văn hóa và tư duy của hầu hết mọi người quen với việc đề cao vật chất và cân đo tấm lòng bằng giá trị tiền bạc của một món quà – hiểu ra rằng, có những thứ giản dị vô cùng, nhưng có thể làm tim mình rung lên niềm vui, xúc động và nhớ mãi vì chính sự yêu thương trân trọng của người dành món quà ấy cho mình.

——————————————-

Mình may mắn có nhiều trải nghiệm với người phương Tây. Mình ở nhà host, sống thực tế với họ, và trong quá trình đi du lịch Châu Âu mình cũng có dịp tiếp xúc với nhiều người.

Sự khác biệt rõ rệt mình thấy đó là cuộc sống người Châu Á có xu hướng trọng vật chất hơn, chú trọng vào hàng hiệu, điện thoại xịn, và profile mạng xã hội bắt mắt long lanh, nói nhiều về bản thân và khoe nhiều thứ riêng tư trên mạng xã hội hơn.

Còn đối với người phương Tây, thật sự họ không quá chú trọng vào những món đồ vật chất, họ cũng có xu hướng sống kín tiếng hơn vì thường họ không quan tâm nhiều đến việc người khác nghĩ gì về cuộc sống của họ. Dĩ nhiên ở đâu cũng có người này người kia, nhưng cái mình đang đề cập ở đây là sự đa số.

Câu chuyện 1: Điện Thoại Di Động

Rất ít người phương Tây mình gặp cầm trên tay chiếc điện thoại Iphone chứ đừng nói là Iphone đời mới nhất như người Châu Á mình. Năm 2014 mình đi Châu Âu lần đầu, khi đó Iphone đã ra đến 5s hay 6 gì đó, mình vẫn chỉ đang dùng 4s khi đó thôi nhưng mỗi khi thấy mình cầm chiếc điện thoại nhãn hiệu Iphone thì mọi người bên đó đều trầm trồ, giống như đang nói rằng “ồ rich kid đây rồi”. Trong khi đó, tại thời điểm đó ở Việt Nam mà dùng 4s thì quá bình thường, thậm chí là lỗi thời và không theo kịp xu hướng.

Sở dĩ họ có suy nghĩ như vậy khi thấy mình cầm Iphone không phải là vì họ không đủ tiền mua nó đâu (dĩ nhiên là trừ mấy bé học sinh), nhưng vì họ không có văn hóa hay thói quen chi số tiền lớn như vậy cho một chiếc điện thoại. Ví dụ 4s khi đó khoảng 400$, 5s khoảng 600$, 6 khoảng 800$ thì đối với họ khoản tiền chi cho một chiếc điện thoại chỉ nên khoảng 200-300$. Vì vậy họ mới cảm thấy khi ai đó dám chi số tiền lớn cho một chiếc Iphone thì khá là xa xỉ và giàu có.

Câu chuyện 2: Việc Học và Sở Thích

Thay vì sau giờ học phải lo đi học thêm các lớp ngoài giờ đến tối để không thua “con nhà người ta” thì ở Poland sau giờ học chính hầu như các bé đều sẽ đi học các môn sở thích như là đàn, nhảy, vẽ hoặc về nhà làm bánh, đan len, hoặc ra vườn đọc sách, đi dạo những cánh đồng thiên nhiên gần nhà… Vì vậy không khó để hiểu vì sao đời sống tinh thần của người phương Tây lại phong phú hơn mình.

Ở Việt Nam mình thì bệnh “thành tích” khá là phổ biến rồi. Trẻ con ở Việt Nam sau giờ học ở trường thì thường phải đi học thêm đến tối mịt. Khi rảnh rỗi thì đồ công nghệ hầu như ưu tiên số một, không chơi game thì cũng là Youtube, Facebook. Những môn nghệ thuật ở Việt Nam không thường được đánh giá cao, hoặc là phải xuất sắc và nổi tiếng để mang đến niềm tự hào cho gia đình, hoặc chỉ là sự lãng phí thời gian và luôn được khuyên là hãy tập trung học ở trường để không thua thiệt ai cho ba mẹ có cái khoe với họ hàng và láng giềng, ít có khái niệm “cứ để con cái được học và làm những gì nó thật sự thích”.

Câu chuyện 3: Sinh Nhật Của Một Cậu Bé

Hôm đó mình đang dạy ở một lớp các bé tầm 10-11 tuổi thì ngày hôm đó cũng là sinh nhật của một cậu bé trong lớp. Ban đầu mình cũng không biết, chỉ thấy khi nghỉ giữa giờ cậu bé cầm một giỏ kẹo đi phát cho các bạn. Khi cầm giỏ đưa đến mình thì cậu bẽn lẽn nói là “Today is my birthday, so I am giving everybody a candy”… rồi ngay sau khi nói ra câu đó cậu chợt nhớ mình là “Teacher” nên lại cười mắc cỡ rất cưng và nói “But you can take two”

Mình chợt thấy niềm vui tinh thần ở nơi đó thật đơn giản. Thay vì ngày sinh nhật chờ đợi những món quà, hay tổ chức 1 bữa tiệc để mong mời bạn bè đến và nhận được quà, thì những cô cậu bé này có thể đơn giản chỉ mang những viên kẹo đến lớp và trao cho người khác. Các bé như được giáo dục là trao đi niềm vui của mình đến người khác trước khi trông đợi nhận được điều gì.

Khi nhận lấy 2 viên kẹo từ cậu bé mình thấy thật dễ thương, mình chúc cậu bé một ngày sinh nhật thật vui vẻ và ý nghĩa một cách thật tâm, mình vui cho bé và thật sự mong như vậy. (Nói tới đây thì mình chợt nhớ những câu chúc xã giao cho có trên Facebook hoặc Zalo mỗi khi dịp Sinh Nhật đến mà mọi người được nhắc auto)

Câu chuyện 4: Những Món Quà Nhỏ

Khi mình đi dạy ở Châu Âu, mình rất hay được các bé tặng những món quà mà theo mình là lạ vì mình chắc chắn các bé ở Việt Nam sẽ không bao giờ tặng như vậy.

Nhưng món quà mình nhận được từ các bé ở Poland có khi là một em chồn hay cáo nhồi bông nhỏ cũ mèm các bé đã chơi lâu, vài viên đá màu vui mắt (cũng là đồ chơi của các bé), chiếc vòng đeo tay đã sờn,…. Đây đều là những món đồ các chơi của các bé rất yêu thích, và khi trao tặng mình như vậy, các bé không hề nghĩ quà tặng phải là những món đồ mới cáu cạnh, mà là khi trao đi món đồ dùng yêu thích của mình cho ai đó nghĩa là các bé rất quý người đó.

Và thật sự, niềm vui giản dị đôi khi chỉ cần cảm nhận được những điều như thế.

WHAT MONEY CAN BUY

A bed but not sleep
Computer but not brain
Food but not appetite
Finery but not beauty
A house but not a home
Medicine but not health
Luxuries but not culture
Amusements but not happiness
Acquaintance but not friends
Obedience but not faithfulness
Sex but not love

-st-

———————————————–

If you want to feel rich, just count all the things you have that money can’t buy ” ― Allec Mallanao

Saigon, 6th February, 2020