Accept & Stop Being Frustrating

“Overthinking kills your happiness”

Đã bao giờ bạn cảm thấy quá mệt mỏi khi bản thân suy nghĩ quá nhiều dù bạn không hề muốn?

Chúng ta có xu hướng vô tư với những thứ không quá đặc biệt, nhưng lại trở nên chú ý hơn đối với những điều ta cảm thấy quan trọng. Việc này đôi khi lại khiến ta suy nghĩ quá nhiều, dẫn đến bản thân trầm trọng hóa sự việc. Cũng như sự nỗ lực của chúng ta trong bài kiểm tra 15’ so với bài kiểm tra cuối kỳ khi còn đi học vậy. Và bạn có để ý rằng, đôi khi vì lo lắng và hy vọng quá, làm cho cảm giác run run hồi hộp xuất hiện, có khi mất bình tĩnh thì sau đó việc hoàn thành bài thi đã không tốt như chúng ta mong đợi?

Khi chúng ta quá quan trọng hóa điều gì, đa số đều mang đến cảm giác tiêu cực hơn, như là run rẩy, lo lắng, bồn chồn, khó chịu, bực tức, buồn phiền. Tùy mức độ cảm xúc sẽ ảnh hưởng đến phản ứng của ta đối với sự việc đó, làm ảnh hưởng sự việc và chính bản thân ta dù ít hay nhiều.

Điển hình như trong một buổi sáng kẹt xe, càng khó chịu ta càng thấy thời gian chờ đợi quá lâu, quá đông người, quá khói bụi ngột ngạt, và mệt mỏi hơn. Đối với những người dễ nóng tính, họ thậm chí sẽ trở nên tức giận và cáu gắt. Những lúc như vậy, thay vào đó mình có thể tập nghĩ đến những điều vui vẻ nhẹ nhàng như là buổi đi chơi thú vị cuối tuần, hoặc ai đó vừa làm bạn cười ngày hôm qua. Khi đó, bạn sẽ thấy khoảnh khắc kẹt xe qua đi nhẹ nhàng lắm.

Hay giả như nhỏ bạn thân của mình có cái tính thỉnh thoảng ăn nói hơi vô tâm, mình cũng đã từng rất để bụng đến điều đó và mỗi khi như vậy mình lại khó chịu, có khi sẽ cãi nhau, và buổi đi chơi đó sẽ trở thành thảm họa. Sau này, khi tập nhìn nhận sự việc theo hướng mở hơn, mỗi khi nó vô tình ăn nói vô tâm, thay vì mình để bụng và khó chịu, mình nghĩ “thôi kệ xác nó, lâu lâu nó bị… điên ấy mà”, đồng thời mình nghĩ đến những lúc nó đáng yêu với mình, và rồi cái khoảnh khắc bực bội nho nhỏ ấy trôi tuột qua nhanh như chưa xảy ra điều gì.

Vậy “sự phản kháng” ở đây là gì?

Những suy nghĩ tiêu cực khi đang kẹt xe, hay bực bội bứt rứt với cái tính mình không thích ở nhỏ bạn, chính là sự phản kháng trong cuộc sống. Trong một cuốn sách mình từng đọc, người viết có đề cập rằng cuộc sống thật ra luôn có sự cân bằng. Bạn càng phản kháng với điều gì nó sẽ càng trì trệ lại, như một sợi dây chun, nếu bạn kéo dãn nó thì sẽ bị giật mạnh ngược lại, và đôi khi thậm chí vì lực giật quá mạnh sẽ làm nó bật ngược lại làm đau bạn.

Và “sự chấp nhận” là gì?

Những suy nghĩ tích cực ngược lại ở những ví dụ trên, là những suy nghĩ làm cho bản thân chúng ta cảm thấy nhẹ nhàng thoải mái hơn, và sự việc cũng dịu nhẹ hơn. Đó chính là sự chấp nhận. Khi mình chấp nhận được nhỏ bạn mình với một vài cái tính tào lao của nó, nghĩ kĩ thì nó cũng không phải điều gì quá xấu xa, thế rồi mình tập trung nhiều hơn đến những sự tương hợp khác của hai đứa, và rồi mọi thứ thật suôn sẻ. Cũng như khi kẹt xe, mình sẽ nghĩ “không sao, ổn mà, từ từ sẽ qua được thôi”, mình chấp nhận thực tại lúc đó, ngừng than vãn kêu ca, và nghĩ đến điều vui vẻ khác, và rồi chuyện kẹt xe sẽ bớt mệt mỏi với mình hơn.

Sự chấp nhận mà mình đề cập ở đây không phải là sự chịu trận. Không có nghĩa là khi bạn ở trong một mối quan hệ quá độc hại, thay vì tìm ra giải pháp tốt hơn, bạn cam chịu mọi thứ và nghĩ rằng đó là điều bạn phải gánh chịu. Trong một mối quan hệ, nếu là những vấn đề thật sự làm ảnh hưởng đến tình cảm đôi bên, việc chia sẻ với nhau trong tôn trọng là điều cần có. Chia sẻ chân thành và quan sát sự nỗ lực từ hai phía, quan sát sự cải thiện và những biến đổi sau đó. Chứ không phải là gây sức ép để ép buộc ai đó phải làm theo ý mình. Khi bạn ép buộc đối phương, nghĩa là bạn đang “phản kháng”. Và bạn thấy đấy, phản kháng sẽ chẳng đem đến kết quả tốt đẹp.

Nói sâu hơn một chút ở khía cạnh vật chất hay sự thành công

Khi bản thân bạn luôn phản kháng với cuộc sống và thiếu sự hài lòng, trân trọng, chấp nhận những gì ở thực tại đang có, bạn sẽ khó mà có được niềm hạnh phúc thật sự. Sự mãn nguyện từ những thứ bạn đạt được vì tham vọng, vì ánh nhìn của người khác, hay vì sự ganh tị,… sẽ chỉ mang tính vui vẻ thỏa mãn nhất thời. Rồi bạn sẽ lại khó chịu và đòi hỏi những thứ khác mà thôi.

Đó là lý do những người đã đủ đầy ở một mức độ nào đó, thậm chí là đã rất xinh đẹp, hoặc thành công và giàu có, nhưng họ vẫn không thanh thản và vui vẻ trọn vẹn. Vì họ không chấp nhận thực tại, họ vẫn mải so sánh mình với những người hơn họ (đây chính là sự phản kháng).

Ngược lại, có những người cuộc sống rất đỗi bình thường nhưng lúc nào cũng thấy họ vui vẻ và hạnh phúc, đơn giản là vì họ chấp nhận và tập trung cho niềm vui thực tại, trân trọng những thứ họ đang có chứ không hề bị áp lực ganh đua bởi những điều viển vông hay cao xa.

Phần kết

Thế mới nói, hạnh phúc lâu dài thật sự là điều gì đó đến từ chính bản thân mình. Nếu cứ mải dựa vào sự tác động của sự vật, sự việc, con người xung quanh, thì tính lâu dài của niềm hạnh phúc sẽ không có và luôn ở trong tình trạng chênh vênh mà thôi. Hiểu được những điều này sẽ làm bản thân chúng ta nhìn nhận sự việc bình ổn hơn. Đó là lý do mình không ngừng học hỏi để cân bằng, cải thiện cuộc sống cũng như cảm xúc của chính mình.

“Happiness can only exist in acceptance” – George Orwell

“The key to happiness is letting each situation be what it is instead of what you think it should be” – Mandy Hale

“Niềm vui chỉ tồn tại khi ta học được cách chấp nhận sự việc” – George Orwell

“Chìa khóa làm nên sự vui vẻ là tận hưởng mọi thứ diễn ra như vốn có thay vì cứ mải trông đợi nó diễn ra theo ý bạn” – Mandy Hale