Emotion Balance

Muộn Phiền và Stress

Muộn là “sầu muộn”, phiền là “buồn phiền”, “phiền lòng”

Stress là “căng thẳng”, chịu áp lực về tinh thần và cảm xúc.

Trong cuộc sống chúng ta chắc hẳn hỷ – nộ – ái – ố là những trạng thái hết sức bình thường và hết sức con người. Niềm vui thì khỏi cần nói rồi, ai cũng thích, ai cũng mong muốn có được hàng ngày. Những muộn phiền “ngắn hạn” thì cũng không quá đáng sợ, vì nó cũng vụt qua thôi ấy mà. Chẳng hạn như lỡ làm mất thỏi son cực yêu thích, ừ thì bực thật, nhưng rồi mua thỏi khác hoặc vui vầy với cái mớ đồ xinh xắn khác là lại quên ngay.

Cái hôm nay mình muốn nói đến là cái sự muộn phiền “hơi bị lớn”. Những muộn phiền này có thể kéo dài 1 tuần 2 tuần, hoặc thậm chí 1 tháng 2 tháng, mà nhiều khi là cả năm ấy chứ, đó là với tùy đối tượng. Tùy đối tượng là sao? Có những người rất lạc quan vô tư, vì trí óc người ta mau quên, 1-2 ngày buồn thôi rồi lại như không có gì xảy ra. Có những người suy nghĩ nhiều hơn, nên họ sẽ gặm nhấm muộn phiền đó lâu hơn. Còn có những người tiêu cực hơn, họ để muộn phiền đó hành hạ cả năm (mà có khi là vài năm không chừng)

Vì sao mình gom muộn phiền và stress vào một bài?

Là vì khi bản thân mình cứ muộn phiền suy nghĩ hoài, nó sẽ dẫn đến stress. Từ buồn phiền bạn có thể chuyển sang cáu kỉnh bực bội. Cái não nó sẽ không ngừng hoạt động với tùm lum dòng suy nghĩ chồng chéo => Rồi thì là bị stress luôn thôi. Chứ đâu phải là chỉ bận rộn công việc mới bị stress đâu.

Bản thân mình đã từng nhiều lúc như thế. Mình không phải là kiểu người vô tư đến nỗi có thể quên ngay cái sự “muộn phiền” lớn vừa ập tới chỉ sau 1-2 ngày. Thật sự nhiều khi mình rất hâm mộ những người như vậy, và mình từng nghĩ mình sẽ không bao giờ được như họ. Nhưng rồi mình nhận ra rằng không có gì là không được. Có thể mình không được bẩm sinh bộ não vô tư như họ, nhưng mình có thể rèn luyện.

Và thật ra đó chính là mục đích của cuộc sống. Không ai hoàn hảo, và mình sống mỗi ngày là để tôi rèn bản thân, để khắc phục những nhược điểm của mình. Có thể sẽ không hoàn toàn tốt ở điểm đó được như người khác, nhưng chí ít là mình có tiến bộ. Và mình có những sự hoàn hảo riêng khác với họ 😉

Vậy làm các nào mình khắc phục được điều đó?

1. Hát

Vừa rồi khi mà ở tận cùng của sự stress do muộn phiền, mình chợt nhớ giai đoạn từ lúc còn nhỏ cho đến các đây 2-3 năm. Hồi đó mình rất ít stress, có thể do cuộc sống lúc đó chưa quá rối rắm, nhưng mình cũng đã học hành rất căng thẳng, vậy tại sao mình lại ít stress nhỉ? Và mình nhớ ra ngày đó mình hay hát.
Không phải là hát chơi chơi vài câu. Mà là hồi đó mình hay ngồi trước màn hình máy tính, vừa chat chit hoặc học hành làm việc gì đó, nhạc mở và lyrics có sẵn trên màn hình. Mình cứ nhìn theo đó mà gào rú theo.
Vậy nên lúc đó mình thử làm y như vậy. Mình mở nhạc + lyrics và ngồi gào rú khoảng 4-5 bài thì bỗng có cảm giác như não giãn ra và thấy vui vẻ hơn.

2. Đọc sách

Mình thì hay đọc sách về tâm lý, lifestyle. Có những lúc trong lòng rối rắm ngổn ngang quá, mình sẽ đi dạo nhà sách một mình, chọn cho mình quyển sách phù hợp với tâm trạng lúc đó nhất. Hoặc đơn giản mở tủ chọn cuốn sách cũ liên quan đến tâm trạng lúc bấy giờ đọc lại, hoặc những cuốn sách có thể khích lệ tâm trạng mình khi đó. Hay những cuốn sách về lifestyle đẹp, vì khi mình đọc những thứ hay ho đẹp đẽ, mình thấy trí não và con người mình cũng trở nên tươi đẹp hơn => Vui hơn.

3. Làm điều mình yêu thích và hãy tập trung

Mình nghĩ mỗi người đều có những sở thích, có những việc muốn làm, những thứ tò mò muốn học. Chỉ là đôi khi cuộc sống lướt qua quá nhanh, bạn bỗng vô thức thả trôi bản thân cho nó cuốn đi, và bất giác quên mất những thứ thú vị khác quanh mình. Thế nên khi cảm thấy tâm trí rối rắm, hãy giành những khoảng lặng ngồi nghĩ lại mình đã từng muốn làm gì? Mình đã từng thích làm gì? Chọn ra 1-2 điều có thể làm ngay, và rồi hãy tập trung và say mê làm nó.
Ví dụ như mình thích viết blog, hát, đọc sách nè. Trước mắt là như vầy.

4. Dọn dẹp

Khi mà tâm trạng rối bời, dọn đồ rồi “liệng” bớt đồ không cần thiết rất là xả xì chét nha :))
Nói nghiêm túc hơn, hãy tập giữ phòng ốc gọn gàng, đồ không thật sự dùng hãy bỏ đi đừng tiếc. Ít đồ thì đỡ dọn dẹp, đỡ rối mắt. Mà phòng ốc luôn gọn gàng cũng làm cho tâm trạng mình nhẹ nhàng nữa. Và quan trọng là trong lúc dọn dẹp phòng ấy, mình cảm thấy rất thoải mái. Mỗi khi tâm trạng rối nùi, mình hay nói với bản thân là “Thôi! Dọn dẹp phòng! Dọn dẹp tâm hồn!”. Nghĩa là trong khi mình dọn dẹp phòng là mình cũng đang dọn cho sạch sẽ tâm trí mình rồi.

Sơ bộ thì đây là vài trong những việc giúp mình cân bằng cảm xúc.

CÁN CÂN CẢM XÚC

Đối với mình, con người mang một cán cân cảm xúc. Khi mình quá buồn, hay quá nóng giận, đó là mình đã đánh mất sự cân bằng trong cảm xúc. Một khi cán cân cảm xúc bị mất cân bằng mà mình không nhận ra, không nhanh chóng lấy lại cân bằng cho nó, thì việc nóng nảy hay buồn phiền sẽ xảy ra cực kì thường xuyên.

Nên mình rút ra một kinh nghiệm, đó là khi những nỗi muộn phiền, những chuyện không hay ập đến, uh thì nếu có buồn thì cứ buồn, nhưng không được thả trôi cảm xúc quá lâu, không được để cảm xúc quá tự do muốn quấy nhiễu bản thân mình thế nào cũng được. Vì khi đó bản thân sẽ dễ quên mất là cán cân trong tâm trí đã bị chao đảo quá nhiều, rồi thì lúc đó cảm xúc sẽ chỉ trở nên rối rắm hơn, và sẽ ngày càng suy nghĩ nhiều hơn, mệt mỏi hơn. Mình nghĩ đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự trầm cảm dù nặng hay nhẹ.

Và một điều quan trọng hơn nữa, là đừng quá dựa dẫm cảm xúc của mình vào bất kì ai, dù là gia đình, bạn thân, hay là người yêu. Vì thật sự họ không phải là chính mình. Họ có thể thông cảm ở một mức độ nào đó, nhưng họ không thật sự trải qua những luồng suy nghĩ rối rắm đang quậy phá trong tâm trí mình, nên sẽ luôn có những hành động hay sự phản ứng của mình mà họ không thể hiểu, không thể thông cảm.

Bản thân mình phải là người tự nhận ra, tự thấy chính lỗ hổng bên trong mình, rồi tự áp dụng những cách cân bằng cảm xúc của riêng mình, vì mỗi người có những sở thích, niềm vui khác nhau.

Vậy nên ở đây cần nhớ hai việc: cố gắng giành ra khoẳng lặng sáng suốt để suy ngẫm, nhận ra điều gì đang diễn ra với bản thân, và rồi lập tức cân bằng, không để cán cân cảm xúc bị nghiêng hay chao đảo quá lâu. Càng lâu càng khó cân bằng.

Não bộ của phụ nữ khác với của đàn ông. Đàn ông có cấu trúc não đơn giản hơn. Phụ nữ có cấu trúc não phức tạp hơn, nên mình sẽ thường xuyên mệt đầu hơn rất nhiều. Vì vậy, là phụ nữ thì phải biết yêu bản thân và nghĩ cho bản thân nhiều hơn. Đừng quá để ý đến việc người ngoài hay bất kì ai có hiểu không, đừng nghĩ, đừng mong muốn rằng những người xung quanh phải thông cảm cho mình. Mà việc cần thiết nhất là chăm sóc chu đáo cho cảm xúc của chính mình.

Vì niềm vui đến từ những tác động bên ngoài chỉ là tạm thời, còn niềm vui đến từ chính mình mới là bền vững.